9 lượt xem
Cả cuộc đời gắn liền với nghề điện
Xưa nay, nghe đến nghề điện, đa phần đều hình dung đến công việc của nam giới. Nhất là trong thời buổi hiện nay, hiếm có người phụ nữ nào lại muốn mình cả ngày lấm lem dầu mỡ, vác nặng làm nhọc. Thế mà ở ngay giữa thủ đô, một cụ bà vẫn hằng ngày thay ắc quy đủ loại từ xe máy, ô tô đến xe buýt…
Bà là Nguyễn Thị Hồng Sâm, 72 tuổi, một người dân gốc Hà Nội. Đều đặn mỗi ngày, không trừ cuối tuần, bà mở cửa hàng từ 7h sáng đến 5h chiều. Người phụ nữ vừa là chủ vừa là thợ thay ắc quy duy nhất của cửa hàng. Khách đến với bà đa phần là người quen, không ít người gắn bó với bà từ khi cửa hàng mới mở.
“Khách của tôi ít phải bảo hành lắm, có người 5 năm mới quay lại thay bình. Nhưng đã thay một lần là sẽ quay lại. Tôi tin họ đến cửa hàng vì biết tôi có chuyên môn, không bán cho xong rồi mặc kệ khách“, cụ bà tâm sự.
Cửa hàng của cụ bà 72 tuổi
Trên mỗi tờ phiếu bảo hành, bà Sâm ghi số điện thoại để khách hàng tiện liên hệ. Nếu có thắc mắc, ai cũng có thể nhấc máy gọi để bà tư vấn tận tình.
Sở dĩ có thể tự tin như vậy là vì bà học đúng chuyên môn về điện. Năm 1967, bà Sâm tốt nghiệp khoa Điện, trường Cơ khí Hà Nội và được phân công về Thái Bình. Tại đây, bà công tác 5 năm liền tại Xí nghiệp Vận tải – Khách Thái Bình.
Một năm sau khi lập gia đình, bà trở về Hà Nội và làm việc trong Tổng Công ty Hoá chất vật liệu điện và dụng cụ cơ khí từ năm 1973 đến năm 1993. Khi tổ chức phân công làm công việc quản lý, bà tự nhận không phù hợp và xin nghỉ hưu để về mở cửa hàng. Người phụ nữ chỉ muốn làm công việc chuyên môn theo đúng đam mê.
Một vị khách quen đến thay ắc quy ở cửa hàng của bà
Từ khi Hà Nội chỉ có 5 cửa hàng chuyên thay – sửa ắc quy, đến nay, khi đã trải qua hơn nửa thế kỉ làm nghề, đến khi về hưu, bà Sâm vẫn một mực gắn bó với niềm đam mê thời trẻ. Ở cái tuổi “gần đất xa trời”, nhiều người dành cho mình những giây phút nghỉ ngơi hay đi du lịch đây đó cho khuây khỏa, bà lại chọn công việc. Không phải vì bà không có tiền, các con của bà ai cũng thành đạt cả, chẳng qua bà vì một lẽ yêu nghề mà thôi.
“Tôi rất thích cái nghề kĩ thuật này. Làm nghề này phải cẩn thận, tỉ mỉ và chu đáo. Giờ nó thành cái tính của tôi luôn rồi. Cái gì mình yêu thích, làm tốt, tạo thành thói quen thì muốn bỏ cũng không được. Bây giờ không làm nghề là buồn chân tay lắm!“, bà chia sẻ.
Cửa hàng rộng chưa đầy 15m2 của bà Sâm nằm trên con đường Ngọc Lâm, quận Long Biên. Hằng ngày, người ta vẫn thấy bà ngồi ở nhà con gái cách đó chỉ vài mét. Thấy khách đến, bà gọi to “vào đây”. Ai không vội, bà còn mời dùng trà cho vui.
Bà Sâm viết phiểu bảo hành và ghi chú vào ắc quy cho khách
Định kiến “phụ nữ thiếu gì việc mà phải làm thợ điện” và lời đáp trả bình thản
Dù đã lớn tuổi nhưng bà Sâm vân còn nhanh nhẹn, minh mẫn, đặc biệt là đôi mắt tinh tường, chưa từng phải đeo kính hỗ trợ. Bà nói đùa làm nghề này giống như bác sĩ, khách hàng đến kể triệu chứng của ắc quy còn nhiệm vụ của bà là “bắt mạch” cho chuẩn. Mà quả thật, chỉ cần quan sát một vài dấu hiệu, cụ bà có thể chỉ ra đúng “bệnh” của các loại bình ắc quy.
Là phụ nữ nhưng làm công việc tưởng chừng chỉ dành cho nam giới, bà Sâm không ít lần nghe hàng xóm xì xào.
“Những người ở đây đều biết tôi học vấn thế nào, làm nghề từ xưa đến nay ra sao nên không nghi ngờ năng lực của tôi. Nhưng họ thắc mắc vì sao tôi chọn công việc này. Tôi mới bảo thế tại sao toàn những việc người ta nghĩ đàn ông mới làm được thì vẫn có những người phụ nữ theo đuổi. Còn tôi có đầu óc, có đam mê thì không thể làm nghề này. Bất cứ ai có sự quyết tâm và đam mê thì đều làm được điều họ muốn“, bà khẳng định.
Người phụ nữ có một niềm tin đặc biệt dành cho công việc. Bà tin xã hội sắp đặt vào tay bà cái duyên với nghề điện, cũng như cho mỗi người một nghề. Mỗi khi nghe câu “phụ nữ thiếu gì việc mà phải làm thợ điện”, bà bảo bà… “trơ” luôn.
Dẫu vậy, công việc này vẫn mang đến cho người phụ nữ không ít vất vả. Chồng làm nghiên cứu chính trị nên không có thời gian làm việc nhà. Những năm ông đi công tác nước ngoài, một mình bà vừa lo cửa hàng vừa quay cuồng với 3 người con. Cô con gái thứ 2 của bà còn nhớ hình ảnh mẹ vừa gánh 2 thùng nước gạo vừa bế em gái út mới sinh.
Để quen với công việc nặng nhọc này, bà Sâm dí dỏm cho hay được “tập dượt” từ ngày còn nhỏ.
Sống ở thủ đô nhưng bà tự nhận mình là “dân nghèo thành thị”. Người phụ nữ là chị cả trong gia đình có 11 anh chị em. Để đỡ đần cha mẹ, bà làm đủ nghề từ năm 13 tuổi. Ngày ấy, bà chẳng có ước mơ gì, chỉ mong có một công việc chân chính để kiếm ra tiền. Học điện xong rồi đi thực tập, bà kiếm được 24 đồng mỗi tháng. Đến khi thực sự sống bằng nghề, bà kiếm được 60 đồng nhưng vẫn phải mua tem phiếu của những người không dùng đến để đổi 15 kg gạo, gửi về nhà hàng tháng.
Nghề điện thỏa mãn mong ước giản dị là kiếm tiền nuôi gia đình, lại khiến bà say mê và gắn bó như một mối duyên. Bà không làm nghề này không phải để thể hiện điều gì, cũng chưa từng muốn ganh đua với cánh đàn ông.
Làm công việc liên quan đến máy móc, bà Sâm ngày trước thường xuyên chui vào gầm xe tải sửa chữa cả ngày. Có mái tóc dài nhưng bà ít khi có cơ hội buông xõa. Bộ đồ lao động nhem nhuốc và đôi tay thô sần là những gì bà nhớ về ngoại hình của mình thời trẻ. Dẫu vậy, bà dí dỏm tiết lộ: “Hồi làm ở Thái Bình, nhiều người để ý nhưng tôi biết rồi để trong bụng chứ không tỏ ý với ai. Sau này, tôi trở về quê, được gia đình giới thiệu gặp ông nhà tôi. Mà cũng là do ông ấy chủ động đấy nhé!“.
Nhắc đến những kỉ niệm đặc biệt trong quá trình làm nghề, bà Sâm không thể quên những vị khách “không mời mà tới”. Thương khách như người bệnh cần chữa trị gấp, bà không ngại bắt tay vào công việc ngay khi khách cần. Cũng vì thế mà bà từng cứu chiếc xe CSGT hỏng ắc quy vào đêm giao thừa, cô gái cần về quê gấp sáng sớm mùng 2 Tết… Dù khách có gọi sau 8h tối, khi cửa hàng đã đóng cửa, bà cũng vui lòng sửa ngay.
Ở người phụ nữ này, người ta thấy sự cá tính, niềm đam mê và cả niềm kiêu hãnh của một người có tri thức. Bên cạnh đó là tự tin khi biết bản thân chọn đúng con đường, khi được kiếm tiền bằng sức lao động chân chính.
Hiện tại, khi Hà Nội có hàng trăm cửa hàng sữa chữa – thay mới ắc quy, khách hàng có nhiều sự lựa chọn hơn thì cửa hàng của bà Sâm cũng vãn khách dần. Con cái của bà không ít lần khuyên mẹ về nghỉ dưỡng già nhưng bà chẳng muốn. Thậm chí bà còn đang nuôi ước mơ có một thương hiệu sửa chữa ắc quy mang tên mình.
Biết cả 3 người con không ai muốn làm công việc này, bà sẵn sàng truyền nghề miễn phí cho những ai có đam mê. Trước đây, vào thời điểm cửa hàng đông khách, phải thuê nhân viên, bà từng dạy nghề cho hơn 20 người nhưng không ai trụ lại.
“Yêu cầu của tôi là họ phải cẩn thận, chu đáo và chân thành. Đặc biệt phải trung thực với khách hàng vì đó là tiêu chí quan trọng hàng đầu để giữ uy tín cửa hàng“.
src: autopro