3 lượt xem
Cách đây nhiều thập kỷ, Ferrari từng là chốn làm việc mơ ước của nhiều người, thậm chí nói đây là công việc danh giá nhất cho một người công tác trong ngành xe cũng không quá sai. Tuy nhiên, ít ai biết rằng tại đây từng diễn ra một cuộc chiến khốc liệt giữa lý trí và tình cảm – 2 mặt được rất nhiều người coi là đối lập. Nguyên do, nói đơn giản, tới từ những lời chỉ trích… vợ của CEO và cũng là nhà sáng lập Ferrari – Enzo Ferrari.
Vào thập niên 1950, Ferrari là cái tên thuộc diện danh giá nhất nhì làng đua xe chuyên nghiệp toàn cầu khi về nhất ở vô cùng nhiều các cuộc đua mà họ tham gia từ F1 cho tới Le Mans, cả với tư cách đội đua hay cá nhân/xe đơn lẻ tham dự.
Thành tựu khổng lồ của Ferrari trong làng đua cũng đồng nghĩa với danh tiếng toàn cầu tăng cao và tương ứng là doanh số tăng vọt. Giới nhà giàu khi đó coi xe Ferrari là xe hoàn hảo dành cho “người thắng cuộc”. Mọi chuyện khi đó giống như một câu chuyện cổ tích với Ferrari cũng như CEO Enzo Ferrari cho tới khi…
Con trai đầu lòng của Enzo Ferrari là Dino Ferrari qua đời khi mới bước sang tuổi 24 vì bệnh teo cơ. Dino trước ngày mất đã phát triển động cơ V6 riêng của mình – trang bị sau đó sớm được sử dụng cho chiếc xe thể thao Ferrari Dino như một cách tưởng nhớ anh.
Cú sốc từ việc con trai qua đời đã ảnh hưởng nặng nề tới tâm lý Enzo, khiến ông phần nào đó trở nên mất phương hướng, bất ổn định tâm lý và sau đó tự tách biệt mình khỏi các thành tựu gây dựng cả cuộc đời là Scuderia Ferrari lẫn Ferrari Automobiles.
Tuy nhiên, đây không phải mất mát duy nhất mà Enzo và cả Ferrari phải đối mặt vào giai đoạn đó. Không ít tay đua F1 của Ferrari đã qua đời vì tai nạn, bao gồm Alberto Ascari trong một buổi chạy thử tại Monza, Alfonso de Portage trong thảm họa Mille Migilla 1957 (ông, trợ lái và 10 người thiệt mạng), Luigi Musso tại trường đua Reims và Peter Collins tại Nurburgring trong cùng năm. 6 năm sau đó, Lorenzo Bandini mất mạng vì tai nạn tại Monaco.
Với nhiều mất mát trong một thời gian ngắn như vậy, không khó để nhiều người hướng sự chỉ trích về phía Ferrari, cùng với đó là hàng loạt đơn kiện nhắm vào “ngựa chồm” Italia. Người Italia tin rằng Ferrari không quan tâm, chú trọng đủ vào mảng an toàn mà thay vào đó chỉ chú trọng thành tích, khiến không ít tài năng của họ thiệt mạng.
Tin đồn thất thiệt hơn nhắm trực tiếp tới Enzo khi cho rằng ông chỉ coi các tay đua của mình là công cụ dẫn tới danh vọng và thành công và chỉ tri ân họ khi họ không còn trên cõi đời này. Tất cả các tai nạn phía trên đều dẫn tới một vụ kiện trực tiếp mà cáo buộc gần như y một: giết người. Enzo Ferrari không chỉ phải vượt qua nỗi đau mất con mà còn đứng trước làn sóng phản đối dữ dội cùng sức ép pháp lý chưa từng có.
Do Enzo gần như biến mất từ khi con trai qua đời, vợ ông là Laura Ferrari đã đứng ra tiếp quản không ít hoạt động của thương hiệu Italia. Bà sẵn sàng đi khảo sát quanh nhà máy cũng như các sân thử của hãng dưới tư cách thư ký và sau đó dần dần leo lên bậc thang quyền lực với đỉnh cao là vị trí số 2 tại Ferrari chỉ sau đúng chồng mình. Tính cách không khoan nhượng, nghiêm túc và đặt nặng thành tích của bà gần như không khác Enzo là bao khi luôn yêu cầu Ferrari phải là tiêu chuẩn của làng xe thể thao toàn cầu.
Không ít nhân viên Ferrari khi đó đã lên tiếng phàn nàn về cách Laura đối xử với họ. Những lời lẽ xúc phạm đôi lúc được sử dụng với tần suất và âm lượng khủng khiếp tới mức họ tưởng như mình đang bị quát thẳng mặt. Chưa dừng lại ở đó, Laura yêu cầu các nhân viên phải làm việc ngoài giờ và không được nghỉ ngơi ngoài các khung giờ định sẵn.
Ở chiều ngược lại, Laura cảm thấy những lời đàm tiếu nhắm vào mình là do bà là phụ nữ và không có kỹ năng điều hành, quản lý và kỹ thuật cần thiết, và do đó đáp trả bằng cách chứng minh cho các nhân viên Ferrari bằng cách khắc nghiệt nhất có thể.
Người đầu tiên không còn chịu đựng được cách quản lý của Laura là Girolamo Gardini – Giám đốc bán hàng của Ferrari và cũng là người chịu sự mạt sát khắc nghiệt, thường xuyên nhất. Doanh số Ferrari thời điểm này xuống dốc (phần lớn vì các tai nạn nói trên) nhưng ông là người bị đổ lỗi rằng “không nghiêm túc trong công việc”.
Cách giải quyết của vị giám đốc bán hàng vô cùng trực tiếp: đối thoại thẳng với người có quyền lực số 1 công ty là Enzo.
Dù nguyên nhân có thể chính đáng, cách tiếp cận vấn đề của Girolamo với Enzo lại có phần nhiều là đe dọa nhiều hơn là đàm phán, đó là yêu cầu Laura nhường lại vị trí điều hành cho người khác có khả năng nếu không ông sẽ từ chức.
Do cá tính mạnh mẽ tới mức có phần kiêu ngạo của mình, Enzo không chấp nhận việc mình bị đe dọa và buộc Girolamo thôi việc. Hành động này không khác gì ngòi nổ cho mồi lửa đã âm ỉ bấy lâu trong nội bộ Ferrari với hàng loạt nhân sự đứng lên bênh vực vị cựu giám đốc bán hàng, bao gồm cả 9 thành viên chủ chốt của ban lãnh đạo Ferrari chẳng hạn kỹ sư trưởng Carlo Chiti, giám đốc mảng xe thể thao Giotto Bizzarini hay giám đốc Scuderia Ferrari Romolo Tavoni.
Thư phản đối được đồng ký tên bởi các lãnh đạo nhanh chóng được gửi lên Enzo – hành động tưởng chừng như không tưởng trước đó khi không một ai tại Ferrari dám “bật” lại nhà sáng lập kiêm CEO này. Một buổi họp mặt riêng giữa họ và Enzo nhanh chóng được lên lịch.
Theo một trong những người chứng kiến buổi họp là nhà báo Hà Lan Rob Wiedenhoff kể lại, sự kiện này “diễn ra như một bộ phim Mafia” với Enzo không nói một lời nào trong suốt buổi họp. Romolo cho biết buổi họp “ngắn bất thường” khi chỉ kéo dài 45 phút. Thư ký riêng của Enzo sau đó gửi cho mỗi người 1 phong bì chứa tiền lương một tháng và thông báo với họ rằng đừng bao giờ trở lại công ty.
Việc mất đi hàng loạt lãnh đạo chủ chốt khiến nội bộ Ferrari đại loạn vào đúng giai đoạn thương hiệu này cần sự ổn định nhất. Ngập trong kiện cáo, cạnh tranh từ các đối thủ như Jaguar và Shelby ngày một khốc liệt, các dự án như 250 GTO bị bỏ dở vì lãnh đạo phu trách bị sa thải… không ít người tin rằng Ferrari có thể biến mất khỏi thị trường.
Trên đường đua, họ mất vị trí số 1 về tay Lotus trong khi những người cũ bị sa thải đầy bất công lên kế hoạch lập đội đua F1 riêng để đánh bại Ferrari, giành lại công lý cho bản thân mình.
Tên gọi trên là của đội đua được 8 lãnh đạo Ferrari mất việc thành lập với mục tiêu rất đơn giản: đánh bại “kẻ thù” chung đã đối xử bất công với họ. Nguồn tài trợ được huy động từ một thương gia Venice giàu có là bá tước Giovanni Volpi, người vốn sở hữu đội đua Motorsport của riêng mình là Scuderia Serenissima.
Dù vậy, đội đua này không bao giờ đạt được thành công mà mình mong muốn khi phải bỏ đua quá nhiều chặng do mẫu xe đua của họ là ATS 100 quá khó để sửa chữa. Thành tích tốt nhất của đội cũng chỉ là vị trí ngoài top 10.
Sau khi lạnh lùng sa thải gần như nguyên dàn lãnh đạo cấp cao cũ, Enzo Ferrari tái cấu trúc hoàn toàn lại bộ máy lãnh đạo của Ferrari đồng thời bổ nhiệm nhiều thành viên mới như Mauro Forghieri và Sergio Scagiletti – những người sau đó tiếp tục hoàn thiện dự án dang dở 250 GTO (hiện là xe cổ đắt giá nhất thế giới) mà Bizzarini bỏ lại. Scagiletti phụ trách mảng thiết kế trong khi Forghieri là giám đốc kỹ thuật.
Ferrari 312 – dự án hoàn toàn mới của cả 2 nhanh chóng thể hiện khả năng trong giải GT trong khi Ferrari 158 đưa vinh quang tại F1 trở về với ngựa chồm tại mùa giải 1964. The Great Walkout, dù suýt khiến Ferrari “tan đàn xẻ nghé”, đã khiến thương hiệu Italia trở lại mạnh mẽ hơn và quan trọng nhất là đưa Enzo trở lại mặt đất, giúp ông phần nào đó quên đi những mất mát của riêng mình và lèo lái con tàu “suýt đắm” về bờ thành công…
src: autopro