2 lượt xem
Cách đây không lâu, Tesla đã công bố bản báo cáo doanh thu đầu tiên của năm 2020 với mức lãi tương đối “khủng”. Tuy nhiên, thứ mang lại cho họ khoản lãi đó không phải ở mảng xe điện đầy xịn sò.
Trên thực tế, 11 tiểu bang tại Mỹ có quy định tất cả những hãng sản xuất xe hơi phải có một tỉ lệ xe không phát thải (zero-emissions) nhất định cho tới năm 2025. Nếu không thể đạt chỉ tiêu, họ buộc phải mua chứng nhận không phát thải (regulatory credit) từ các công ty khác đạt dư quy định. Và không có gì bất ngờ, đây chính là mảng mà Tesla mạnh nhất, cũng là thứ mang đến cho họ một nguồn thu khổng lồ.
Bí mật nho nhỏ của Tesla: Tiền không đến từ bán xe
Đây thực sự là ngành kinh doanh hái ra tiền của Tesla, khi mang về tới 3,3 tỉ đô trong vòng 3 năm qua, với phân nửa rơi vào năm 2020. Con số 1,6 tỉ đô thu được từ bán chứng nhận của Tesla trong năm qua vượt xa mức doanh thu 721 triệu từ mảng bán xe. Nghĩa là nếu Tesla không bán được chứng nhận, họ sẽ lỗ trong năm 2020.
“Họ (Tesla) đang lỗ khi bán ô tô. Nhưng họ làm ra tiền nhờ bán chứng nhận. Và các chứng nhận ấy thì một đi không trở lại,” – Gordon Johnson, chuyên gia từ tập đoàn nghiên cứu GLJ Research, và là một trong những cổ đông lớn của Tesla cho biết.
Dù mang lại lợi nhuận lớn, nhưng giới chóp bu của Tesla cho rằng công ty không thể tiếp tục dựa vào nguồn thu từ mảng bán chứng nhận. “Đây là lĩnh vực cực kỳ khó để dự đoán. Trong dài hạn, việc bán chứng nhận không thể là một phần trong khả năng kinh doanh của công ty, và chúng tôi cũng không có kế hoạch phát triển xung quanh nó. Có thể doanh số sẽ tăng mạnh trong vài quý, cũng có thể không,” – trích lời CFO của Tesla, ông Zachary Kirkhorn.
Trong báo cáo thu nhập năm 2020 của Tesla là 2,5 tỉ USD. Lợi nhuận gộp từ việc kinh doanh ô tô sau khi trừ chi phí sản xuất là 5,4 tỉ đô. Dòng tiền tự do là 2,8 tỉ, tăng 158% so với năm 2019. Đó là sự thay đổi hết sức bất ngờ so với 1 năm trước đó, khi Tesla đối mặt với nguy cơ hết sạch tiền.
Các nhà đầu tư của Tesla cho biết những thông tin trên chỉ ra rằng Tesla đang kiếm ra tiền sau nhiều năm thua lỗ. Khả năng sinh lời ấy là một trong những lý do khiến giá cổ phiếu của Tesla tăng khá mạnh trong vòng 1 năm qua.
Tuy nhiên, tranh cãi vẫn còn đó, về việc liệu Tesla có thực sự kiếm ra tiền hay không. “Các tranh cãi chủ yếu nhắm vào 2 vấn đề khác nhau, và sẽ không bao giờ giải quyết được. Họ tập trung quá nhiều vào khoản bán chứng nhận vượt thu nhập từ bán ô tô,” – ông Gene Munster, nhà phân tích của hãng Loup Ventures – trong khi biên lợi nhuận gộp mới là chỉ số tốt nhất.
Trận chiến của tương lai
Giá cổ phiếu tăng tới 743% của Tesla trong năm 2020 đã biến công ty lọt vào top giá trị cao nhất thế giới. Tuy nhiên với 500.000 chiếc xe được bán trong năm qua, đó chỉ là tỉ lệ rất nhỏ so với 70 triệu chiếc được bán trên toàn cầu. Trong khi đó, giá trị của Tesla tương đương với 12 nhà sản xuất lớn nhất cộng lại – những doanh nghiệp chiếm tới 90% doanh số ô tô toàn cầu.
Nguyên nhân cũng bởi toàn bộ ngành công nghiệp đang hướng tới tương lai tiêu thụ điện, nhằm đạt được chỉ tiêu môi trường toàn cầu đang ngày càng khắt khe hơn. Hơn nữa, xe điện đòi hỏi ít nhân công hơn, ít linh kiện và chi phí cũng thấp hơn so với xe truyền thống.
“Đa số sẽ phải thừa nhận rằng xe điện là chìa khóa của tương lai,” – Munster nhận định. “Tôi nghĩ đây là một khoản chi tiêu an toàn.”
Tesla hiện là công ty đi đầu trong sản xuất xe điện. Tuy nhiên, công ty đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các nhà sản xuất khác trong mảng này. Volkswagen đã vượt qua Tesla về doanh số xe điện tại châu Âu. GM cũng đang lên kế hoạch chuyển sang mảng xe không phát thải toàn bộ vào năm 2035.
“Sự cạnh tranh có thể khiến các mẫu xe của Tesla trở nên không còn phù hợp nữa,” – Johnson, nhà phân tích của GLJ Research cho biết. “Chúng tôi không xem đây là mô hình kinh doanh bền vững.”
Với sự cạnh tranh hiện nay, Tesla sẽ khó mà giữ mức thống trị 80% – 90% thị phần xe điện như hiện nay. Đây là nhận định của Daniel Ives, nhà phân tích công nghệ của Wedbush Securities.
Nguồn: CNN
src: autopro